Theo phương án đề xuất, tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025 được đầu tư phân kỳ 4 làn xe thay vì 6 làn xe như quy hoạch.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại Tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ gửi đến Quốc hội mới đây, quy mô đầu tư tuyến cao tốc được đề xuất phân kỳ 4 làn xe với bề rộng mặt đường 17m.
Quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17m được đánh giá là phù hợp cho việc cân đối nguồn lực đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 và có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045 – Ảnh minh họa
Lý giải về đề xuất này, Chính phủ cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông có quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế – chính trị lớn quy mô 8 – 10 làn xe, đoạn Cần Thơ – Cà Mau quy mô 4 làn xe.
Căn cứ kết quả dự báo nhu cầu vận tải, quá trình hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu nhiều phương án về quy mô đầu tư như: Đầu tư hoàn chỉnh ngay theo quy mô quy hoạch được duyệt; Phân kỳ đầu tư theo quy mô 2 làn xe, quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường là 24,75m) và quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường 17m).
Theo tính toán, trường hợp đầu tư ngay dự án theo quy mô quy hoạch, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 235.000 tỷ đồng, rất khó khăn trong cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư không cao do giai đoạn đầu đưa vào khai thác nhu cầu vận tải chưa lớn.
Phương án đầu tư phân kỳ với quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư sẽ thấp hơn. Song, quy mô này chưa đáp ứng đúng tiêu chuẩn khai thác đường bộ cao tốc. Trong bối cảnh hầu hết các tuyến đường bộ cao tốc đều có quốc lộ song hành, cao tốc sẽ khó đảm bảo tính cạnh tranh và thu hút các phương tiện nếu chỉ có quy mô 2 làn xe.
Riêng phương án đầu tư phân kỳ theo quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường 24,75m) được đánh giá cơ bản phù hợp với nhu cầu vận tải. Tuy nhiên nhưng tổng mức đầu tư khá lớn, ước khoảng 192.000 tỷ đồng, rất khó khăn cho việc cân đối nguồn vốn.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm, Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường 17m), toàn bộ các yếu tố hình học, kỹ thuật khác đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 100 – 120km/h. Theo phương án này, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 146.990 tỷ đồng.
Mức đầu tư này là phù hợp trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn khó khăn, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
“Quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và hướng dẫn thiết kế, tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư đường cao tốc, bảo đảm khai thác an toàn, đáp ứng các tiêu chí hiện đại và nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045, bảo đảm thuận lợi khi thực hiện mở rộng trong giai đoạn hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch”, Tờ trình nêu.
Cũng theo phương án đề xuất, công tác GPMB sẽ thực hiện một lần theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt với quy mô 6 làn xe, đoạn Cần Thơ – Cà Mau theo quy mô 4 làn xe.
- Mạng lưới cao tốc Việt Nam
- Vận chuyển hàng công nghiệp nhẹ Bắc Nam
- Chở hàng trọn gói Bắc Nam
- Vận tải nông sản lúa gạo Bắc Nam nhanh chóng, an toàn
- Nhận chở hàng xuyên Việt tại Tp HCM
Theo phương án đề xuất, tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 có phạm vi đầu tư đi qua 12 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 729km được chia thành 12 dự án thành phần, gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi (36km), Hàm Nghi – Vũng Áng (54km), Vũng Áng – Bùng (58km), Bùng – Vạn Ninh (51km), Vạn Ninh – Cam Lộ (68km), Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (88km), Hoài Nhơn – Quy Nhơn (69km), Quy Nhơn – Chí Thạnh (62km), Chí Thạnh – Vân Phong (51km), Vân Phong – Nha Trang (83km), Cần Thơ – Hậu Giang (37km), Hậu Giang – Cà Mau (72km). Toàn bộ 12 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công.